Cà phê arabica Khe Sanh, lịch sử và vùng trồng

Khởi xướng cho cây cà phê Khe Sanh, có tài liệu cho rằng là Eugène Poilane – một quân nhân người Pháp, đồng thời là một nhà thực vật học, ông đến Việt Nam năm 1909 với danh nghĩa là công nhân pháo binh làm việc cho xưởng công binh hải quân. Sau đó nhà tự nhiên học Auguste Chevalier đã chỉ định Poilane làm thăm dò viên cho viện sinh vật học và Poilane trở thành đại diện cho dịch vụ quản lý rừng của Đông Dương năm 1922. Năm 1918, lần đầu Poilane đi xuyên qua khu vực sau này là làng Khe Sanh, do bị hấp dẫn bởi cây cối tươi tốt ở đây và nghĩ rằng đất đỏ thì phù hợp với cây cà phê, năm 1926 Poilane quay trở lại Khe Sanh và nhập những cây cà phê Chiari để trồng và lập nên đồn điền cà phê đầu tiên ở Khe Sanh (Theo Puriocafe). Các giống đầu tiên được trồng tại vùng đất này là: Cà phê chè (Arabica) Typyca, Bou bou (được trồng khảo nghiệm để nghiên cứu), và giống cà phê mít (Exelsa) là giống được trồng chính trên các đồn điền. Các giống cà phê Typica, bourbon sinh trưởng phát triển tốt, cho quả chất lượng cao nhưng dễ bị bệnh gỉ sắt phá hại nặng, nên không được tiếp tục phát triển, chỉ còn lại duy nhất là cà phê mít (Coffea Exelsa) được trồng trên các đồn điền của hai nhà tư sản (Tây Ba lá và Phi lip) với diện tích vài chục ha. Giai đoạn này trồng cà phê mang tính quảng canh, kỹ thuật canh tác đơn giản nên năng suất cà phê thấp. Phương pháp chế biến là phơi khô cả quả rồi bảo quản cất giữ.

Năm 1978, Nông trường Cà phê Khe Sanh thành lập. Giống cà phê chè Arabica Caturra được đưa vào và trồng tập trung với diện tích 17,2 ha, bước đầu đã cho năng suất, chất lượng tốt. Giống Caturra này không tồn tại được lâu vì năm được mùa có thể lên đến 10, 15 tấn quả tươi/ha nhưng sau đó liền kề là những năm mất mùa trắng. Nguyên nhân chính là do bệnh gỉ sắt hoành hành gây ra hiện tượng rụng lá khô cành toàn cây, việc đầu tư trong những năm tiếp theo thực sự không có hiệu quả. Năm 1990 các giống cà phê chè được đưa về trồng khảo nghiệm như (Catuoay, Catimor, 1602). Giống Catimor có đặc tính nổi trội về khả năng thích nghi với môi trường, khả năng chống chịu bệnh gỉ sắt, khả năng cho năng suất cao và tương đối ổn định, chất lượng tốt. Năm 1992, nông trường tiếp tục mở rộng diện tích trồng mới 11,30 ha cà phê chè catimor. Các năm kế tiếp diện tích cà vối, cà mít dần dần bị loại bỏ và thay thế bằng cây cà phê chè giống Catimor.

Từ năm 1995 đến nay, cây cà phê chè lại được đầu tư phát triển mạnh mẽ. Với đặc tính nổi trội về khả năng thích nghi với môi trường, chống chịu bệnh gỉ sắt và khả năng cho năng suất cao, ổn định, chất lượng tốt; cà phê chè Catimor được lựa chọn và phát triển nhanh chóng, đến nay đã đạt gần 4.500 ha, tập trung ở các xã Hướng Phùng, Hướng Lộc, Hướng Tân, Tân Hợp, Tân Lập, xã Húc, thị trấn Khe Sanh, trở thành giống cà phê cho sản phẩm nổi tiếng không chỉ trong nước và cả trên thế giới với thương hiệu cà phê Khe Sanh.

Ông Poilane người mang hạt cà phê đến trồng tại vùng đất Khe Sanh 1926

Đồn điền cà phê cà phê Khe Sanh thời Pháp thuộc

Giống cà phê arabica trồng vùng Hướng Phùng, thuộc chủng coffee arabica Var catimr có nguồn gốc Brazil, được lai tạo giữa giống Caturra với cây lai Hybrido de timor, đây là giống cà phê thế hệ F6 do Viện nghiên cứu cà phê Eakmat chọn lọc từ thế hệ F4&F5.  Đặc điểm giống này là cây thấp lùn, bộ tán nhỏ gọn, lóng đốt ngắn, về ngoại hình không có sự khác biệt so với giống Caturra, lá non có màu đồng nhạt, lá xanh đậm và dày, mép lá gợn sóng, cây cao từ 2-3m, cành cơ bản dài từ 0.8-1,2m, đường kính tán từ 1,2-1,5m, chiều dài lóng đốt từ 3-4cm. Cành cơ bản vươn thẳng tạo với thân một góc <80 độ. Quả chín màu đỏ, trọng lượng 100 hạt đạt từ 12-16 gam, là giống có khả năng cho năng suất cao, thích hợp mật độ trồng dày, chịu hạn tốt và thích hợp với những vùng trồng có độ cao thấp so với mực nước biển.

Giai đoạn 2012-2013 được gọi là thời kì hoàng kim rực rỡ của cà phê Khe Sanh, khi đó giá cà phê nằm mức 12.000đ/kg, sự náo nức rộn ràng ở các nông trại và xưởng sản xuất cà phê, và giai đoạn này cà phê Khe Sanh cũng đã nhập khẩu sang các nước châu Âu (Công ty TNHH Đại Lộc)

Năm 2015-2020 là giai đoạn sụt giảm nghiêm trọng cà phê arabica Khe Sanh, chúng ta vắng bóng trên bản đồ cà phê Việt Nam và thực tế cà phê Khe Sanh gắn mác, đấu trộn dưới các ông lớn như Cầu Đất, Sơn La, hay nước bạn Lào….Những tên tuổi năm xưa làm rạng danh cà phê Khe Sanh như Thái Hoà, Cà phê đường 9, Đại Lộc, Thành Danh dần xoá sổ mất tích….

Có nhiều nguyên nhân, sự phụ thuộc và giá thành từ sàn giao dịch quốc tế, và sự suy giảm chất lượng, do nông dân thu hái kém, quả xanh nhiều hơn chín, rồi ngâm nước….đến khi viết những dòng chữ này, tôi đã từng nghe chuyên gia cà phê năm 2014 anh đến vùng cà phê này và anh nghĩ anh không bao giờ quay trở lại đến khi gặp những con người tâm huyết với cà phê Khe Sanh tụi mình.

Sử dụng hoá chất trong canh tác cà phê

Canh tác độc canh – cà phê thiếu cây che bóng

Thu hái nguyên liệu quả tươi kém chất lượng

Phá bỏ và chuyển đổi cây trồng khiến diện tích cà phê thu hẹp

Từ năm 2018, đứng trước sự rớt giá thê thảm cà phê arabica Việt Nam nói chung và cà phê arabica Khe Sanh nói riêng, một số cá nhân, hợp tác xã đã chú trọng nâng cao chất lượng sản xuất cùng với các dự án phi chính phủ vào hỗ trợ như IMI, Mekong…và đây là những tín hiệu ban đầu để rồi năm 2021, lần đầu tiên cà phê arabica Khe Sanh vô địch cà phê đặc sản Việt Nam – đưa vùng cà phê mờ nhạt tưởng chừng vô danh trở thành nhà vô địch cà phê đặc sản Việt Nam trong sự vỡ oà hạnh phúc

 

Tiếp tục với vị thế của mình, năm 2021 lần đầu tiên cà phê arabica Khe Sanh bước chân vào thị trường Mỹ với 2 tấn cà phê rang xay, tiếp cận thị trường Hà Lan và Canada…

Phần 2: Hành trình tái phục hồi vùng nguyên liệu thông qua dự án “Mang rừng về vườn”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *